"Tôi có gặp một ca sĩ người Nhật, chị được chồng đưa đến để mua áo dài. Chị có nói với tôi rằng, muốn là một sứ giả, là nhịp cầu giữa Việt Nam và Nhật Bản vì rất yêu văn hóa Việt", MC Hạnh An An chia sẻ.
Sáng 25/1, lễ hội "Tết Việt Saitama 2025" với chủ đề "Tết quê hương trong lòng những người con xa xứ" đã diễn ra tại công viên Kanezuka – Omiya Saitama, Nhật Bản. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây.
Ngay ngày đầu khai mạc lễ hội "Tết Việt Saitama 2025" đã thu hút sự tham gia của hàng ngàn người Việt và bạn bè Nhật Bản. Tại đây, mọi người đã cũng nhau được trải nghiệm một nét văn hóa đặc trưng mang hồn cốt dân tộc, đó là nghi lễ dâng trà và mời trà ngày Tết - một phong tục tập quán của người Việt với câu nói quen thuộc "chén trà là đầu câu chuyện". Nghi lễ này do nghệ nhân văn hóa trà Đào Đức Hiếu và "Trà nương" Ngọc Diệp biểu diễn hòa trong tiếng sáo.
Ngoài phần nghi lễ văn hóa, phong tục tập quán ngày Tết, khách tham dự còn được hòa mình và chiêm ngưỡng phần trình diễn áo dài truyền thống dân tộc với màu sắc cố đô Huế giữa lòng xứ sở hoa anh đào. Bộ sưu tập lần này do chính cộng đồng người Việt Nam tại đây trình diễn. Họ không phải là những người mẫu chuyên nghiệp nhưng ở đó là tình yêu với áo dài, họ mong muốn quảng bá văn hóa áo dài, phát huy trong việc lưu giữ và bảo tồn trang phục áo dài truyền thống của người Việt Nam nơi xa xứ.
Bên cạnh đó là các tiết mục ca nhạc mang màu sắc xuân rộn ràng do ca sĩ Bạch Trà đến từ Việt Nam biểu diễn cùng các tiết mục sôi động khác của cộng đồng người Việt và lối dẫn ngọt ngào, sâu lắng của MC – nhà báo Hạnh An An đã mang đến một không gian Tết Việt tại Saitama nhiều cảm xúc.
Tôi vui và thấy may mắn khi được tham gia sự kiện lần này. Gia đình tôi năm nay cũng có người thân không về ăn Tết được nên tôi hát với cảm xúc chân thật và thấu hiểu nỗi lòng của những người con xa quê. Tôi mong, mọi người cảm nhận được hơi ấm từ cộng đồng và nhìn thấy hình ảnh ngày Tết ở Việt Nam thông qua lễ hội ý nghĩa này", ca sĩ Bạch Trà chia sẻ.
Về phía MC Hạnh An An, chị cũng không giấu được sự tự hào, niềm hạnh phúc khi được chọn dẫn tại sự kiện này.
Tôi may mắn khi được chọn dẫn dắt tại lễ hội "Tết Việt Saitama 2025" cho người xa quê hương. Nhưng hôm nay không phải chỉ có người Việt ở tỉnh Saitama đến đâu mà có rất nhiều người Việt ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản đã đổ về.
Lễ hội có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như nhảy sạp, thi gói bánh trưng, biểu diễn thời trang, ca hát... Tôi rất xúc động và hạnh phúc là dù trời vô cùng lạnh nhưng mọi người vẫn đến. Đặc biệt là các em tình nguyện viên là du học sinh của Nhật Bản đến rất đông và vui vẻ hỗ trợ mọi người, cùng chung tay tạo nên một cái Tết rất Việt Nam. Hình ảnh chữ Việt, hoa đào, âm nhạc Việt... ngập tràn cả không gian trên đất khách quê người mang lại cảm giác rất hân hoan, hạnh phúc.
Có một điều thú vị là rất nhiều người Nhật cũng đến tham gia và họ rất thích áo dài. Tôi có gặp một ca sĩ người Nhật, chị được chồng đưa đến để mua áo dài. Chị có nói với tôi rằng, muốn là một sứ giả, là nhịp cầu giữa Việt Nam và Nhật Bản vì rất yêu văn hóa Việt. Tôi cảm thấy vô cùng tự hào, hãnh diện và trân trọng".
Trong buổi lễ khai mạc, Phó Thống đốc tỉnh Saitama - ông Horimitsu Atsushi đã có những phát biểu quan trọng. Ông nhấn mạnh rằng lễ hội không chỉ mang lại không khí Tết cho cộng đồng người Việt mà còn là một dịp để người dân Nhật Bản hiểu rõ hơn về văn hóa và ẩm thực Việt Nam.
Ông phát biểu: "Đây là cơ hội tuyệt vời để kết nối và giao lưu giữa các cộng đồng. Chúng tôi rất tự hào về sự đa dạng văn hóa tại Saitama và mong muốn sự kiện này sẽ thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai dân tộc".
Lễ hội "Tết Việt Saitama 2025" sẽ kéo dài tới ngày 26/1. Lễ hội được chia thành 6 khu vực gồm: Không gian Tết Việt – tái hiện các phong tục đầu năm của Tết Việt; Khu giải trí – biểu diễn âm nhạc ngày xuân; Khu ẩm thực – chế biến các món món ăn Tết; Khu vực 4: Khu vui chơi – diễn ra các trò chơi dân gian; Khu cộng đồng diễn ra các hoạt động mang tính cộng đồng – sum họp gia đình và checkin lưu giữ kỷ niệm.